Logistics Là Gì?
Dịch vụ logistics là gì? Hiện trạng ngành logistics tại Việt Nam như thế nào?
Gần đây, nền kinh tế Việt Nam đón một tin vui mới, đó chính là việc gia nhập hiệp định TPP. Bạn nghe nói, việc gia nhập TPP dẫn đến cơ hội cực lớn cho ngành logistics và các công ty giao nhận vận tải quốc tế tại Việt Nam. Vậy bạn có thắc mắc logistics là gì? Và làm logistics tại Việt Nam như thế nào?
Là một trong những công ty hoạt động trong ngành logistics, chúng tôi nhận thấy rất nhiều người rất mơ hồ về khái niệm này và chưa thật sự hiểu rõ về lĩnh vực này. Thông qua bài viết này, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp cho bạn một lượng kiến thức đủ để giải đáp cho câu hỏi: “logistics là gì?”
Logistics Là Gì?
Logistics là một trong những thuật ngữ khó giải thích và chuyển sang tiếng Việt nhất. Do đó, chúng tôi xin được giữ nguyên cách gọi này thay vì các cụm từ như “kho vận”, hoặc “hậu cần” mà mọi người vẫn thường gọi để thay thế cho từ logistics, bởi thực ra logistics là khái niệm rộng và bao hàm cả hai hoạt động trên.
Nói môt cách đơn giản nhất, logistics là một quá trình lên kế hoạch, áp dụng các phương thức vận tải và kiểm soát dòng lưu thông của hàng hóa, tư liệu sản xuất hoặc các thông tin có liên quan từ điểm bắt đầu (đầu vào) cho đến điểm cuối cùng của sản phẩm/dịch vụ (đầu ra).
Hiện nay, các công ty logistics Việt bắt đầu chấp nhận dùng thuật ngữ logistics trong kinh doanh, giống như các từ khác ta thường gặp trong thực tế như container, marketing v.v..
Vai Trò Của Logistics
Dòng lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế tựa như các mạch dẫn bơm máu đi khắp cơ thể, do đó ta có thể coi ngành công nghiệp logistics là huyết mạch của nền kinh tế của một quốc gia. Quá trình tối ưu hóa việc vận chuyển, rút ngắn thời gian cũng như giảm chi phí cho nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng được gọi là quản lý logistics.
Ngày nay, sức mạnh của một quốc gia chính là sức mạnh của nền kinh tế, trong đó góp một phần quan trọng là hoạt động xuất nhập khẩu. Quản lý logistics tốt giúp gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu, làm đa dạng, phong phú nguồn hàng trong nước và đưa hàng hóa đi đến nhiều nơi trên thế giới, mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho quốc gia.
Dịch vụ logistics tại Việt Nam
Thuật ngữ logistics xuất hiện chính thức trong Luật Thương Mại năm 2005, trong đó điều 233 trong luật chỉ ra rằng: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.”
Doanh thu từ thị trường logistics Việt Nam chiếm tới 20 đến 25% GDP của cả nước, ước tính vào khoảng 35 đến 40 tỉ USD. Thế nhưng thị trường màu mỡ này lại không do người Việt làm chủ.
Sau quá trình hội nhập và mở cửa nền kinh tế hiện nay có khoảng hơn 25 doanh nghiệp logistics quốc tế hoạt động tại Việt Nam, trong đó có những công ty đa quốc gia cực lớn như UPS, Maersk, NYK, DHL v.v… Các công ty này chiếm đến gần 80% thị phần cung ứng logistics tại Việt Nam và đang có chiều hướng gia tăng hơn nữa.
Ngược lại, quy mô cung ứng dịch vụ của các công ty logistics của Việt Nam còn khá nhỏ, hiện chỉ đáp ứng được khoảng 10 đến 20% nhu cầu của thị trường. Đây đang là một vấn đề rất nan giải của các công ty Việt trước sức ép cạnh tranh quá lớn của nước ngoài. Vậy đâu là câu trả lời cho bài toán cạnh tranh này?