Quy Trình Nhập Khẩu Hàng Hóa Bằng Đường Hàng Không Tại Việt Nam
Vận chuyển hàng hóa bằng đường không (air freight )đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp vận tải quốc tế.
Ra đời sau các phương thức vận tải truyền thống như đường bộ hay đường biển nhưng vận tải hàng không đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Các ưu điểm của giao vận bằng đường hàng không có thể kể đến như: tốc độ cao, thời gian vận chuyển nhanh, độ an toàn cao và thủ tục vận tải khá đơn giản.
Ngược lại, các yếu điểm của air freight so với các hình thức vận tải khác là cước phí cao, chỉ vận tải các hàng hóa khối lượng thấp, không cồng kềnh cũng nhu đòi hỏi nền tảng cơ sở vật chất và dịch vụ lớn. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn một số thông tin cơ bản về quy trình nhập khẩu hàng hóa bằng đường hàng không tại Việt Nam.
Các bước của quy trình nhập khẩu như sau:
1. Chuẩn Bị Thông Tin
Nếu bạn là chủ hàng trực tiếp đi nhận hàng thì chắc chắn bạn đã nắm được những thông tin cơ bản về hàng hóa của mình. Cón nếu bạn là nhân viên của công ty logistics 3PL nhận hàng thì bạn phải nắm những thông tin nhất định về lô hàng để quá trình xảy ra nhanh chóng, chính xác và không làm tốn nhiều thời gian.
Các loại giấy tờ phải chuẩn bị trước bao gồm:
- Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc các chứng từ mua bán có giá trị pháp lý (bản sao)
- Vận đơn (bản sao).
Một số giấy tờ có thể được bên Hải quan yêu cầu bổ sung thêm cần phải chuẩn bị như:
- Bảng kê chi tiết hàng hóa
- Giấy đăng ký kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa hoặc Giấy thông báo miễn kiểm tra Nhà nước về chất lượng được cấp bởi các cơ quan có thẩm quyền
- Chứng thư giám định.
- Tờ khai giá trị hàng hóa
- Giấy chứng nhận xuất xứ
- …
2. Mở Tờ Khai Hải Quan Tính Thuế
Công ty phải khai báo qua hải quan điện tử (thông qua website www.customs.gov.vn) trước khi đến cơ quan làm thủ tục. Khai hải quan theo mẫu Tờ khai hải quan do Bộ Tài chính quy định trong đó người nhận hàng phải cung cấp đầy đủ thông tin: tên và mã số hàng hóa, đơn vị tính, số lượng, khối lượng, xuất xứ, đơn giá, giá trị hải quan, các loại thuế suất và các thông tin khác có liên quan.
Xác định số tiền thuế, các khoản thu khác phải nộp vào Ngân sách Nhà nước. Người nhận phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin đã điền vào tờ khai Hải quan.
3. Làm Thủ Tục Lấy Hàng Nhanh
Tại quầy đăng ký lấy hàng nhanh, người nhận phải cung cấp số điện thoại và địa chỉ liên lạc để Hải quan thông báo khi hàng về đến kho Hải quan.
4. Nhận Chứng Từ Gốc
Khi hàng về tới kho, phía Hải quan sẽ thông báo cho người nhận biết hàng đã về. Người nhận mang CMND của mình đến quầy đăng ký lấy hàng nhanh để nhận lại bộ chứng từ gốc và Vận đơn đường không (Airway Bill – AWB: chứng từ vận chuyển hàng hóa bằng máy bay)
5. Làm Thủ Tục Nhận Hàng
Người nhận sẽ đến quầy bốc số thứ tự đợi nộp phí nhập khẩu hàng hóa, nhận biên lai sau đó mang Vận đơn AWB xuống kho, gặp bộ phận quản lý cổng kho để nhận hàng.
6. Kiểm Tra Hàng
Xac định hàng của mình thuộc phân luồng nào, thuộc khu vực kiểm tra nào. Hàng hóa thường được phân làm 3 luồng xanh-vàng-đỏ. Sau khi kiểm tra xong, phía Hải quan sẽ lên tờ khai.
7. Trả Tờ Khai – Thanh Lý Cổng
Người nhận hàng nộp biên lai thu lệ phí tại quầy trả tờ khai để nhận lại tờ khai của mình, sau đó làm thủ tục thanh lý cổng và mang hàng về.
Quy trình nhập khẩu hàng hóa bằng đường hàng không có nhiều bước phức tạp và tốn nhiều thời gian của chủ hàng.